bn-current-user-online-portlet
Một số giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
Hàng năm, các cấp công đoàn và doanh nghiệp đã phát động nhiều phong trào, hoạt động nhằm phát huy sức sáng tạo, cải tiến máy móc, thiết bị để nâng cao hiệu quả lao động sản xuất. Thông qua các phong trào thi đua “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”, “Bàn tay vàng”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật"… mỗi năm, người lao động có hàng chục nghìn sáng kiến, cải tiến không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn nâng cao năng suất lao động, từ đó tăng thu nhập.
1. Khái quát về sáng kiến:
Theo quy định tại Luật thi đua, khen thưởng năm 2003 (Luật thi đua, khen thưởng sửa đổi năm 2013): Sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu được áp dụng hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được đơn vị công nhận.
Theo quy định tại Nghị định 13/2012/NĐ-CP ban hành Điều lệ sáng kiến: Sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp, hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (gọi chung là giải pháp), được cơ sở công nhận nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
- Có tính mới trong phạm vi cơ sở đó;
- Đã được áp dụng hoặc áp dụng thử tại cơ sở đó và có khả năng mang lại lợi ích thiết thực;
- Không thuộc đối tượng bị loại trừ.
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 18/2013/TT-BKHCN, đối tượng được công nhận là sáng kiến gồm giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 3 của Điều lệ Sáng kiến. Giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật được hiểu như sau:
Thứ nhất, giải pháp kỹ thuật là cách thức kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nhằm giải quyết một nhiệm vụ (một vấn đề) xác định, bao gồm:
- Sản phẩm, dưới các dạng: vật thể (ví dụ: dụng cụ, máy móc, thiết bị, linh kiện); chất (ví dụ: vật liệu, chất liệu, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm); vật liệu sinh học (ví dụ: chủng vi sinh, chế phẩm sinh học, gen, thực vật, động vật biến đổi gen); hoặc giống cây trồng, giống vật nuôi;
- Quy trình (ví dụ: quy trình công nghệ; quy trình chẩn đoán, dự báo, kiểm tra, xử lý, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; quy trình chẩn đoán, chữa bệnh cho người, động vật và thực vật...).
Thứ hai, giải pháp quản lý là cách thức tổ chức, điều hành công việc thuộc bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào, trong đó có:
- Phương pháp tổ chức công việc (ví dụ: bố trí nhân lực, máy móc, thiết bị, dụng cụ, nguyên liệu, vật liệu);
- Phương pháp điều hành, kiểm tra, giám sát công việc.
Thứ ba, giải pháp tác nghiệp bao gồm các phương pháp thực hiện các thao tác kỹ thuật, nghiệp vụ trong công việc thuộc bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào, trong đó có:
- Phương pháp thực hiện các thủ tục hành chính (ví dụ: tiếp nhận, xử lý hồ sơ, đơn thư, tài liệu);
- Phương pháp thẩm định, giám định, tư vấn, đánh giá;
- Phương pháp tuyên truyền, đào tạo, giảng dạy, huấn luyện;
- Phương pháp huấn luyện động vật; ...
Thứ tư, giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật là phương pháp, cách thức hoặc biện pháp áp dụng một giải pháp kỹ thuật đã biết vào thực tiễn.
2. Tính mới và khả năng mang lại lợi ích thiết thực của sáng kiến:
Tại Điều 4 Thông tư 18/2013/TT-BKHCN quy định về tính mới và khả năng mang lại lợi ích thiết thực của sáng kiến như sau:
Một giải pháp được coi là có tính mới trong phạm vi một cơ sở nếu tính đến trước ngày nộp đơn yêu cầu công nhận sáng kiến, hoặc ngày bắt đầu áp dụng thử hoặc áp dụng lần đầu (tính theo ngày nào sớm hơn), trong phạm vi cơ sở đó, giải pháp đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Không trùng với nội dung của giải pháp trong đơn đăng ký sáng kiến nộp trước;
b) Chưa bị bộc lộ công khai trong các văn bản, sách báo, tài liệu kỹ thuật đến mức căn cứ vào đó có thể thực hiện ngay được;
c) Không trùng với giải pháp của người khác đã được áp dụng hoặc áp dụng thử, hoặc đưa vào kế hoạch áp dụng, phổ biến hoặc chuẩn bị các điều kiện để áp dụng, phổ biến;
d) Chưa được quy định thành tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm bắt buộc phải thực hiện.
Một giải pháp được coi là có khả năng mang lại lợi ích thiết thực nếu việc áp dụng giải pháp đó có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế (ví dụ nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, nâng cao hiệu quả kỹ thuật), hoặc lợi ích xã hội (ví dụ nâng cao điều kiện an toàn lao động, cải thiện điều kiện sống, làm việc, bảo vệ môi trường, sức khỏe con người)
3. Ý nghĩa của phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật:
Công tác quản lý nhà máy, doanh nghiệp gồm hai nhiệm vụ chính là duy trì và cải tiến. Duy trì gồm các hoạt động nhằm bảo đảm các tiêu chuẩn về công nghệ, quản lý và điều hành hiện tại, còn cải tiến nhằm vào việc thay đổi, nâng cao các tiêu chuẩn hiện hành.
Người làm công tác quản lý có chức vụ càng cao càng phải quan tâm nhiều đến việc cải tiến. Những người lao động có năng lực thì sau khi thực hiện tốt các tiêu chuẩn đề ra họ cũng quan tâm đến việc đưa ra những sáng kiến cải tiến kỹ thuật để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Các nhà quản lý cần khuyến khích người lao động phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật và cần có những chính sách khen thưởng và đãi ngộ hợp lý cho các đối tượng này. Các sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong các nhà máy, doanh nghiệp thường tập trung vào các lĩnh vực sau:
- Cải tiến công việc của chính bản thân người lao động.
- Cải tiến thiết bị máy móc và quy trình sản xuất.
- Cải tiến công cụ lao động.
- Cải tiến các công việc sổ sách, văn phòng.
4. Các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác sáng kiến cải tiến kỹ thuật:
4.1. Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị:
- Tích cực tuyên truyền, cập nhật các văn bản có liên quan đến công tác sáng kiến. Đồng thời, cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (tác giả) phát huy sáng tạo, áp dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả công tác.
- Tăng cường tập huấn cho các tác giả về các nội dung liên quan đến công tác sáng kiến như: Các quy định về công tác sáng kiến; hướng dẫn các bước thực hiện sáng kiến; kỹ năng viết, trình bày sáng kiến,...
- Thực hiện các giải pháp Phổ biến sáng kiến: Tổ chức dịch vụ môi giới chuyển giao sáng kiến và các hình thức giao dịch về sáng kiến (hội chợ, triển lãm), hỗ trợ việc chuyển giao sáng kiến được tạo ra do Nhà nước đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất - kỹ thuật, hoặc sáng kiến của cá nhân, tổ chức không có đủ năng lực để áp dụng. Mức chi tổ chức hội nghị, hội thảo để hỗ trợ việc triển khai áp dụng sáng kiến lần đầu, công bố, phổ biến, áp dụng rộng rãi các sáng kiến được thực hiện theo quy định.
- Thực hiện các giải pháp khuyến khích phong trào thi đua lao động sáng tạo:
(1) Tổ chức các hội thi sáng tạo, triển lãm kết quả lao động sáng tạo, tuần lễ sáng kiến của tỉnh và quốc gia, tổng kết và khen thưởng hoạt động sáng kiến hàng năm và các hoạt động khác để tôn vinh tổ chức, cá nhân điển hình và biểu dương các sáng kiến có thể áp dụng rộng rãi và mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội;
(2) Thông tin, tuyên truyền về các tổ chức, cá nhân điển hình trong phong trào thi đua sáng tạo;
(3) Chi cho các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tạo ra và áp dụng sáng kiến thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh để nghiên cứu phát triển và hoàn thiện, áp dụng sáng kiến trên địa bàn tỉnh;
(4) Chi tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động sáng kiến ở các ngành, các cấp.
4.2. Tại các doanh nghiệp:
Trước hết các nhà quản lý phải thiết lập các mục tiêu cụ thể để người lao động tham gia việc phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, gồm:
- Làm cho công việc thực hiện dễ dàng hơn.
- Giảm bớt những công việc nặng nhọc, nguy hiểm.
- Làm tăng hiệu quả công việc.
- Giảm bớt các phiền hà trong công việc.
- Tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất.
- Nâng cao chất lượng sản phẩm.
Việc đẩy mạnh phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật tại các nhà máy, doanh nghiệp cần được thực hiện theo ba giai đoạn:
(1). Các nhà quản lý nên chú tâm lắng nghe mọi ý kiến của người lao động dù các ý kiến có vẻ quá đơn giản, điều này sẽ giúp cho người lao động chú ý đến công việc và cách thức làm việc của họ hơn.
(2). Tiếp đến, nhà quản lý cần quan tâm đến trình độ của người lao động trong việc có thể đưa ra các ý kiến có chất lượng cao hơn. Muốn vậy thì người quản lý cần phải quan tâm hơn đến việc huấn luyện, đào tạo để trang bị cho người lao động kỹ năng phân tích vấn đề và môi trường làm việc.
(3). Đây là giai đoạn cao nhất, khi người lao động đã quan tâm đóng góp và được đào tạo để biết đưa ra các ý kiến đóng góp có chất lượng thì người quản lý lúc này mới quan tâm đến hiệu quả kinh tế thực sự của các sáng kiến cải tiến kỹ thuật này.
Muốn người lao động tích cực tham gia vào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, các nhà quản lý cần quan tâm các vấn đề sau:
- Tuyên truyền để người lao động thấy rõ tầm quan trọng của công tác sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.
- Luôn tỏ thái độ tích cực và trân trọng với mọi sáng kiến dù nhỏ của người lao động bất kể nó có liên quan đến lĩnh vực mà người lao động đang làm việc không.
- Giúp người lao động trong việc thể hiện và hoàn chỉnh sáng kiến của mình.
- Thực hiện các sáng kiến đã được chấp thuận càng sớm càng tốt.
- Có chế độ khen thưởng, tuyên dương thích đáng dành cho người lao động tham gia đóng góp sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.
5. Kết luận:
Việc phát động phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có một vai trò quan trọng trong việc duy trì và nâng cao hiệu quả sản xuất tại doanh nghiệp. Để vấn đề này thành công thì nhà quản lý cần phải có các biện pháp khuyến khích và thúc đẩy người lao động một cách hợp lý. Dù lớn hay nhỏ, mỗi sáng kiến, ý tưởng sáng tạo đều là kết quả của trăn trở, sự tìm tòi, lao động hăng say của người lao động. Do đó, các đơn vị, doanh nghiệp cần tiếp tục khơi gợi, lắng nghe, tạo điều kiện để người lao động tại cơ sở phát huy sáng kiến, cải tiến trong lao động sản xuất./.
- Đảng ủy Sở Tài chính tổ chức sinh hoạt thường kỳ tháng 11/2024 (08/11/2024 15:53)
- Nghị quyết về danh mục chi tiết dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước giao Sở Tài chính thực hiện (07/11/2024 13:57)
- Sở Tài chính thực hiện tiếp nhận, giải quyết TTHC tháng 10/2024 (07/11/2024 13:56)
- Đảng bộ Sở Tài chính tổ chức Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười BCH Trung ương Đảng khoá XIII. (07/11/2024 13:47)
- Ngày 04/11/2023, Sở Tài Chính Bắc Ninh phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài Chính) tổ chức Hội nghị tập huấn Luật Giá số 16/2023/QH15 ngày 30/6/2023. (06/11/2024 16:05)
- Sở Tài chính phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu trong năm 2022. (24/10/2022 07:41)
- Giám đốc Sở Tài chính yêu cầu cán bộ tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện tốt chế độ công vụ. (24/10/2022 07:39)
- UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 10/2022 (21/10/2022 10:30)
- Kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2022) (18/10/2022 13:22)
- Phê duyệt điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu (17/10/2022 10:40)