bn-current-user-online-portlet

Online : 5958
Total visited : 150704787

Một số điểm mới của Nghị định 116/2024/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng công chức.

30/09/2024 09:41 View Count: 152

Ngày 17/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 116/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 06/2023/NĐ-CP quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Theo đó, Nghị định 116/2024/NĐ-CP có một số điểm mới so với Nghị định 138/2024/NĐ-CP và Nghị định 06/2023/NĐ-CP, như sau:

1. Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức xây dựng kế hoạch và báo cáo cơ quan quản lý công chức phê duyệt để làm căn cứ tuyển dụng trước mỗi kỳ tuyển dụng. Tuy nhiên, Nghị định 116/2024/NĐ-CP đã mở rộng thẩm quyền của cơ quan tuyển dụng công chức có quyền quyết định tuyển dụng theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan quản lý công chức phê duyệt để làm căn cứ tuyển dụng trước mỗi kỳ tuyển dụng.

 2. Tại Nghị định 116/2024/NĐ-CP, bổ sung thêm một số nội dung như:

- Đối với số lượng biên chế cần tuyển ở từng vị trí việc làm: Cần xác định cụ thể vị trí việc làm được tuyển dụng chung cho nhiều cơ quan sử dụng công chức khác nhau (nếu có).

-  Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự tuyển ở từng vị trí việc làm: Xác định cụ thể yêu cầu về thang điểm kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức (nếu có); yêu cầu về ngoại ngữ dự thi đối với từng vị trí việc làm (nếu có)

- Trường hợp thi tuyển thì xác định cụ thể hình thức tổ chức thi môn nghiệp vụ chuyên ngành.

3. Nghị định 116/2024/NĐ-CP quy định cụ thể các trường hợp được tuyển dụng vào công chức không phải thực hiện chế độ tập sự nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

- Được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo và theo đúng chuyên môn, nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm.

- Thời gian công tác làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm theo đúng quy định của pháp luật, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (nếu không liên tục thì được cộng dồn), bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự tương ứng với thời gian tập sự của ngạch được tuyển dụng quy định tại khoản 2 Điều này (Điều 20).

- Trường hợp đáp ứng điều kiện tại điểm a khoản này nhưng chưa đủ thời gian tập sự tương ứng với thời gian tập sự của ngạch được tuyển dụng quy định tại khoản 2 Điều này (Điều 20), thì thời gian đã công tác được tính vào thời gian tập sự. Trường hợp thời gian công tác lớn hơn thời gian tập sự thì khoảng thời gian công tác còn lại sau khi trừ đi thời gian tập sự tương ứng với thời gian tập sự của ngạch được tuyển dụng quy định tại khoản 2 Điều này (Điều 20). được tính vào thời gian xét nâng bậc lương.

- Đối với trường hợp không phải thực hiện chế độ tập sự được bổ nhiệm vào ngạch khi đáp ứng đủ tiêu chuẩn của ngạch và được xếp lương theo vị trí việc làm được tuyển dụng. Các khoản phụ cấp được hưởng theo quy định của pháp luật. Cấp có thẩm quyền phải cử công chức tham gia bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức được tuyển dụng.

4. Nghị định 116/2024/NĐ-CP đã bổ sung thời gian, trình tự, thủ tục biệt phái công chức cụ thể: Khi hết thời gian biệt phái thì cơ quan, tổ chức cử công chức biệt phái phải xem xét, quyết định việc kết thúc hoặc gia hạn thời gian biệt phái đối với công chức.

- Về trình tự, thủ tục biệt phái: Nghị định 166 bổ sung, trước khi quyết định biệt phái công chức, cơ quan, tổ chức cử công chức biệt phái gặp công chức nêu rõ mục đích, sự cần thiết của việc biệt phái để nghe công chức đề xuất ý kiến trước khi quyết định theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

- Về chế độ, chính sách đối với công chức biệt phải: Nghị định 116 116/2024/NĐ-CP đã bổ sung thêm về công chức biệt phái được hưởng các chế độ, chính sách đặc thù nơi công chức biệt phái được cử đến, cụ thể: Cơ quan, tổ chức cử công chức biệt phái có trách nhiệm trả lương và bảo đảm các quyền lợi khác của công chức trong thời gian được cử biệt phái; bố trí công việc phù hợp cho công chức khi hết thời gian biệt phái.

Trường hợp cơ quan, tổ chức nơi được cử đến biệt phái có chế độ, chính sách đặc thù thì ngoài lương và các quyền lợi khác do cơ quan, tổ chức cử công chức biệt phái chi trả, công chức còn được hưởng các chế độ, chính sách đặc thù do cơ quan, tổ chức nơi được cử đến biệt phái chi trả.

5. Về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm: Cơ bản Nghị định 116/2024/NĐ-CP kế thừa Nghị định 138/NĐ-CP về quy định về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, tuy nhiên có bổ sung thêm một số tiêu chuẩn, điều kiện như:

- Có thời gian giữ chức vụ, chức danh đảm nhiệm hoặc chức vụ, chức danh tương đương tối thiểu là 02 năm (24 tháng), nếu không liên tục thì được cộng dồn (chỉ cộng dồn đối với thời gian giữ chức vụ, chức danh tương đương) hoặc bảo đảm thời gian công tác liên tục trong ngành, lĩnh vực theo tiêu chuẩn cụ thể của chức vụ, chức danh bổ nhiệm. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

- Công chức được đề nghị bổ nhiệm lần đầu giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc đề nghị bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý cao hơn thì phải đủ tuổi để công tác trọn thời hạn bổ nhiệm (Nghị định 138 quy định phải trọn nhiệm kỳ 5 năm)

 6. Việc bố trí công chức sau luân chuyển được quy định tại Nghị định 116/2024/NĐ-CP như sau:

- Xem xét bố trí, phân công công chức sau luân chuyển phải căn cứ yêu cầu công tác cán bộ, yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tế, kết quả công tác, năng lực, sở trường của công chức luân chuyển gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị và kết quả nhận xét, đánh giá của cấp có thẩm quyền.

- Trường hợp công chức luân chuyển được cấp có thẩm quyền quyết định tiếp tục bố trí ổn định công tác ở địa phương, cơ quan nơi đến thì không còn xem là công chức luân chuyển theo quy định.

7.  Quy định mới của Nghị định 116/2024/NĐ-CP, theo đó Công chức có thể bị tạm đình chỉ công tác trong các trường hợp sau:

- Có hành vi vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống gây ảnh hưởng tiêu cực, bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến uy tín tổ chức, cá nhân;

- Có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực thi công vụ;

- Cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao;

- Đang bị xem xét, xử lý kỷ luật mà cố ý không thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền trong quá trình xem xét, xử lý vi phạm của bản thân hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng của mình, của người khác để tác động, gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý hoặc nếu để tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý kỷ luật;

- Đã bị xử lý kỷ luật đảng và đang trong thời gian chờ xem xét, xử lý chức vụ chính quyền mà nếu tiếp tục công tác sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

- Có văn bản đề nghị tạm đình chỉ công tác của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc của cơ quan khác có thẩm quyền;

- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành./.

Văn phòng Sở