bn-current-user-online-portlet

Online : 3602
Total visited : 151075112

Nghị quyết 126/NQ-CP 2023 giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

25/08/2023 14:08 View Count: 637

Ngày 14/8/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP về một số  giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Trong thời gian qua, Chính phủ, thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, các địa phương đã tập trung nhiều thời gian, nguồn lực, áp dụng nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế…Tuy nhiên, trước yêu cầu tình hình mới, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật vẫn còn bộc lộc một số bất cập.

Nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo, tập trung nguồn lực triển khai thực hiện, trong đó giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

Trong việc xây dựng, ban hành văn bản QPPL: Rà soát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác xây dựng thể chế và tổ chức thi hành pháp luật, phát hiện các tồn tại, khó khăn. Từ đó có các giải pháp, biện pháp phù hợp để đẩy mạnh, tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ đạo về xây dựng thể chế và tổ chức thi hành pháp luật ở bộ, ngành, địa phương mình; chủ động nghiên cứu các chủ trương, đường lối của Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII, các Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của Trung ương, của tỉnh, các Điều ước quốc tế và thực tiễn thi hành pháp luật để kịp thời ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản QPPL;

Khi tham mưu, đề xuất việc ban hành văn bản phải đúng thẩm quyền về nội dung và hình thức theo quy định của pháp luật; hồ sơ đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản QPPL phải đảm bảo đầy đủ các tài liệu theo quy định và đảm bảo chất lượng của từng tài liệu. Không trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, HĐND, UBND ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản hành chính có chứa quy phạm pháp luật; Chủ động việc lập đề nghị xây dựng văn bản QPPL theo đúng trình tự, thủ tục, thời hạn được quy định trong Luật Ban hành văn bản QPPL; Quá trình soạn thảo văn bản cần bám sát các chính sách đã được thông qua, tuân thủ nghiêm trình tự, thủ tục, đặc biệt là thời hạn soạn thảo, tránh tình trạng do yêu cầu về thời gian nên xin áp dựng trình tự, thủ tục rút gọn mà không thuộc các trường hợp được áp dụng thủ tục rút gọn, tăng cường kiểm soát việc ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn; Tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, dự thảo văn bản; Nghiêm túc tiếp thu ý kiến thẩm định của cơ quan Tư pháp, ý kiến của thành viên Chính phủ, Thành viên UBND, trường hợp không tiếp thu phải báo cáo giải trình đầy đủ; tăng cường phản biện xã hội, truyền thông đối với văn bản QPPL có tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp….

Đối với công tác rà soát, kiểm tra văn bản QPPL: Chủ động rà soát văn bản QPPL do bộ, ngành, địa phương quản lý để xem xét sự phù hợp với hệ thống pháp luật và đòi hỏi của thực tiễn; xác định rõ khó khăn, vướng mắc xuất phát từ quy định pháp luật hay từ khâu tổ chức thi hành, từ đó xác định sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản; Tăng cường kiểm tra văn bản QPPL do bộ, ngành, địa phương ban hành, kịp thời phát hiện các nội dung trái pháp luật và kiến nghị biện pháp xử lý.

Đối công tác tổ chức thi hành pháp luật: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; đẩy mạnh hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Chú trọng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người dân về vướng mắc, bất cập trong thực thi chính sách, pháp luật; Nghiên cứu đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung của luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, thông tư, các văn bản QPPL do HĐND, UBND ban hành; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, nhất là trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp.

Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, phát hiện  ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi “tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm” trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, trong đó tập trung thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính; ưu tiên bố trí đầy đủ nhân lực, kinh phí và các điều kiện cần thiết khác để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND cấp dưới thường xuyên rà soát các văn bản QPPL và thực tiễn thi hành pháp luật để kịp thời đề xuất, soạn thảo, trình HĐND, UBND cùng cấp ban hành các văn bản QPPL điều chỉnh các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương mình. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp với điều kiện KT-XH của địa phương theo hướng ưu tiên, bố trí đầy đủ các nguồn lực về kinh phí và biên chế được phân bổ cho địa phương để đảm bảo, nâng cao chất lượng cho công tác xây dựng thể chế và theo dõi thi hành pháp luật./.

Văn phòng Sở