bn-current-user-online-portlet

Online : 2956
Total visited : 150734349

Hướng dẫn Khen thưởng thành tích trong phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.

30/01/2024 16:55 View Count: 341

Ngày 26/01/2024, HĐTĐ Khen thưởng tỉnh ban hành Hướng dẫn số 06/ HD-HĐTĐKT về Khen thưởng thành tích trong phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.

Theo đó, mục đích nhằm phát hiện, cổ vũ, động viên, tuyên truyền, nhân rộng gương người tốt, việc tốt, tập thể, cá nhân tiêu biểu, có nhiều đóng góp, sáng kiến, kinh nghiệm, mô hình, cách làm hiệu quả, sáng tạo trong thực hiện Phong trào thi đua.  Kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong Phong trào thi đua.

Đồng thời, yêu cầu việc khen thưởng phải đảm bảo đúng quy định, kịp thời, công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan gắn với kết quả thực hiện Phong trào thi đua. Công tác bình chọn, xét khen thưởng được thực hiện đúng quy trình, thủ tục, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.

Đối tượng khen thưởng: Sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (sau đây viết tắt là sở, ngành, địa phương); xã, phường, thị trấn; các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tham gia Phong trào thi đua. 

Hình thức khen thưởng phù hợp với đối tượng, chức năng, nhiệm vụ được giao của tập thể, cá nhân và thành tích đạt được. Việc khen thưởng và đề xuất hình thức khen thưởng đảm bảo nguyên tắc: Cấp quản lý về tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và quỹ lương hoặc người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác có trách nhiệm xét khen thưởng hoặc trình cấp có thẩm quyền xét khen thưởng cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý. Không tặng nhiều hình thức khen thưởng cho một thành tích đạt được.Chưa xét tặng hoặc đề nghị xét khen thưởng cho tập thể, cá nhân đang trong thời gian cơ quan có thẩm quyền xem xét thi hành kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo đang được xác minh, làm rõ.

1. Tại Hướng dẫn quy định rõ đối với các tập thể, cá nhân gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại” và đạt các tiêu chuẩn sau:

* Đối với các sở, ngành, địa phương; các xã, phường, thị trấn:

- Hoàn thành có chất lượng và vượt tiến độ các công trình hoặc nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng được giao.

- Ban hành kế hoạch triển khai phong trào thi đua của cơ quan, đơn vị; có biện pháp hiệu quả để tăng cường quản lý, giám sát các công trình phát triển kết cấu hạ tầng.

- Có thành tích xuất sắc tiêu biểu, nêu gương, được bình xét trong Phong trào thi đua của tỉnh.

* Đối với các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình:

- Có những đóng góp cụ thể, thiết thực trong xây dựng kết cấu hạ tầng, được cấp có thẩm quyền ghi nhận.

- Làm chủ công nghệ xây dựng và vận hành các công trình hạ tầng quy mô lớn, cải tiến phương pháp làm việc, quản lý thi công, huy động trang thiết bị hiện đại tham gia thi công nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, tăng năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả, bảo vệ môi trường, góp phần hoàn thành sớm các công trình dự án của sở, ban, ngành, địa phương. 

* Đối với cá nhân:  

- Cán bộ, công chức, viên chức có nhiều nỗ lực bám sát cơ sở, có sáng kiến, giải pháp hữu ích trong việc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành, tổ chức thực hiện, giám sát chặt chẽ việc thực hiện cơ chế, chính sách, hướng dẫn hoặc tháo gỡ khó khăn cho cơ sở trong xây dựng kết cấu hạ tầng, được cấp có thẩm quyền ghi nhận.

- Đối tượng khác (cá nhân trong và ngoài nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài…) có nhiều đóng góp về công sức, trí tuệ, vật chất; nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ hiện đại, thay đổi biện pháp thi công, sử dụng hợp lý các nguồn lực… phục vụ xây dựng và quản lý khai thác công trình hạ tầng, được cấp có thẩm quyền ghi nhận.

2. Đối với các tập thể, cá nhân gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” và đạt các tiêu chuẩn sau:

* Đối với tập thể:

- Ban hành chương trình hoặc kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của đơn vị, địa phương đầy đủ, đúng thời hạn quy định. Nội dung chương trình, kế hoạch đảm bảo phù hợp mục tiêu, chỉ tiêu nêu tại Chương trình Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

- Xây dựng và ban hành định mức, tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa phương. Thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và công khai việc xử lý vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý và đối với các cơ quan, tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý.

- Thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí nhà nước. 

- Thực hiện mua sắm, xây dựng, quản lý sử dụng tài sản nhà nước đảm bảo đúng mục đích, đối tượng, định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

- Thực hiện công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, phát triển bền vững quốc gia đúng quy định như công tác quản lý, sử dụng đất, quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khác, sử dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong khai thác, chế biến tài nguyên; đảm bảo quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm, đúng mục đích, triển khai, thực hiện có hiệu quả các dự án tái chế, tái sử dụng tài nguyên, sử dụng năng lượng tái tạo.

-  Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tổ chức bộ máy, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước, trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước, sử dụng hiệu quả, đa dạng hóa nguồn vốn với cơ cấu vốn hợp lý, tiết kiệm, đúng mục đích; đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế.

- Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân.

- Thực hiện chấm điểm và có kết quả cao trong đánh giá thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chi thường xuyên theo Thông tư số 129/2017/TT-BTC ngày 04/12/2017 của Bộ Tài chính về Quy định tiêu chí đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên.

- Có nhiều giải pháp, sáng kiến hiệu quả trong tổ chức, triển khai thực hiện Phong trào thi đua

* Đối với cá nhân:

- Cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu thực hiện quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước được giao đúng mục đích, định mức, tiêu chuẩn, chế độ; có sáng kiến, giải pháp hữu ích được cấp có thẩm quyền công nhận trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

- Đối tượng khác (cá nhân trong và ngoài nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài…) có sáng kiến, giải pháp hữu ích được cấp có thẩm quyền công nhận trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; tham gia giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phát hiện và kịp thời phản ánh cho tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về các hành vi gây lãng phí./.

( Hướng dẫn kèm theo)

Văn phòng Sở