bn-current-user-online-portlet

Online : 2712
Total visited : 150734247

Tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2024

15/02/2024 16:43 View Count: 449

Ngày 02/02/2024, UBND tỉnh ban hành Công văn số 23/UBND-KTTH  về việc tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 theo đúng quy định tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chỉ thị số 01/CT-TTg, Thông tư số 76/2023/TT-BTC, Nghị quyết số 245/NQ-HĐND, Chỉ thị số 01/CT-UBND và các văn bản chỉ đạo điều hành của cơ quan có thẩm quyền. Để phù hợp với thực tế tại địa phương, UBND tỉnh lưu ý thêm một số nội dung sau:

I. Về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và phân bổ, giao dự toán NSNN năm 2024.

(1). Phân bổ nguồn thu, nhiệm vụ chi và phân bổ giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2024

- Phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi thực hiện giữa các cấp chính quyền địa phương tỉnh Bắc Ninh theo quy định của Luật Ngân sách, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của HĐND tỉnh.

- Tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa các cấp chính quyền địa phương (trong đó thu tiền sử dụng đất dân cư dịch vụ tiểu mục 1401, chương 860; thu tiền sử dụng đất dự án đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư tiểu mục 1408, thu tiền sử dụng đất từ đất đấu giá tiểu mục 1401) thực hiện theo Nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh.

(2) Phân bổ và giao dự toán chi đầu tư:

- Thực hiện phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ điều kiện, thứ tự ưu tiên theo quy định của Luật Đầu tư công, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020 của UBTVQH, Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 61/2021/TT-BTC ngày 26/7/2021 của Bộ Tài chính, Nghị quyết số 13/2020/NQ-HĐND ngày 11/12/2020 của HĐND tỉnh Bắc Ninh, Quyết định số 11/2021/QĐ-UBND ngày 19/5/2021 của UBND tỉnh và các quy định hiện hành.

- Các cơ quan, đơn vị, địa phương giao kế hoạch vốn đầu tư cho các chủ đầu tư phải chi tiết cho từng dự án theo mã dự án đầu tư và ngành kinh tế (loại, khoản) của Mục lục Ngân sách nhà nước theo Thông tư số 324/2016/TT-BTC ngày 21/12/2016 của Bộ Tài chính Quy định hệ thống mục lục ngân sách nhà nước, Thông tư số 93/2019/TT-BTC ngày 31/12/2019 và Thông tư số 51/2022/TT-BTC ngày 11/8/2022 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 324/2016/TT-BTC;

- Thực hiện phân bổ và kiểm tra việc phân bổ theo đúng quy định tại Điều 8 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công, đồng thời gửi kết quả phân bổ về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng hợp và kiểm soát việc giải ngân theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

- Trong tổ chức thực hiện, trường hợp cần điều chỉnh dự toán giữa các chương trình, dự án để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, căn cứ dự toán được cấp có thẩm quyền giao các đơn vị thực hiện theo trình tự quy định tại Khoản 5, Khoản 6 Điều 67 Luật Đầu tư công, đồng thời gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng hợp, theo dõi và kiểm soát giải ngân. Mẫu biểu điều chỉnh thực hiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ.

(3). Phân bổ và giao dự toán chi thường xuyên:

- Các đơn vị dự toán cấp 1 phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên cho các đơn vị sử dụng ngân sách phải đảm bảo khớp đúng dự toán được HĐND  quyết định, UBND giao cả về tổng mức và chi tiết theo từng Loại, Khoản của Mục lục Ngân sách nhà nước theo Thông tư số 324/2016/TT-BTC ngày 21/12/2016 của Bộ Tài chính Quy định hệ thống mục lục ngân sách nhà nước; Thông tư số 93/2019/TT-BTC ngày 31/12/2019 và Thông tư số 51/2022/TT-BTC ngày 11/8/2022 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 324/2016/TT-BTC. Đảm bảo về thời gian theo quy định, đúng chế độ, tiêu chuẩn và định mức chi ngân sách do cơ quan có thẩm quyền quy định. Đảm bảo bố trí đủ kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ đã ban hành, những nhiệm vụ quan trọng theo quy định của pháp luật, những nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền quyết định theo đúng phân cấp nhiệm vụ chi.

- Đối với cơ quan nhà nước thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 và Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 7 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP việc phân bổ và giao dự toán thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước.

- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập được giao thực hiện cơ chế tự chủ theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 06 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, việc phân bổ và giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước căn cứ vào nhiệm vụ được giao năm 2024, phân loại mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp, dự toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động thường xuyên năm đầu thời kỳ ổn định được cấp có thẩm quyền phê duyệt (đối với đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước bảo đảm chi thường xuyên); dự toán chi tiết theo 2 phần: dự toán chi thường xuyên giao tự chủ, dự toán chi thường xuyên không giao tự chủ.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được cơ quan có thẩm quyền giao tự chủ tài chính thì phân bổ và giao dự toán chi vào phần dự toán chi thường xuyên không giao tự chủ. Sau khi phương án tự chủ tài chính được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đơn vị điều chỉnh dự toán chi thường xuyên không giao tự chủ sang dự toán chi thường xuyên giao tự chủ phù hợp với phương án tự chủ tài chính được phê duyệt.

(4). Thời gian phân bổ, giao dự toán:

Thời gian phân bổ, giao dự toán giao đầu năm được thực hiện theo quy định tại Điều 50 Luật Ngân sách nhà nước. Trường hợp được giao bổ sung dự toán (bao gồm cả kinh phí ngân sách cấp trên bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp dưới), chậm nhất 10 ngày làm việc, kể từ ngày được giao dự toán bổ sung, đơn vị dự toán cấp I, Ủy ban nhân dân cấp dưới phải hoàn thành việc phân bổ và giao dự toán theo quy định.

(5). Thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2024

Từ ngày 01/7/2024, thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Các cơ quan, đơn vị địa phương chủ động sử dụng nguồn kinh phí để thực hiện chính sách tiền lương. Tổng hợp nguồn và nhu cầu kinh phí thực hiện gửi về Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

II. Tổ chức quản lý, điều hành NSNN.

(1). Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật về thuế có hiệu lực thi hành.

(2). Tập trung chỉ đạo quyết liệt để thực hiện nghiêm Luật Quản lý thuế, chống thất thu, chống chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại; đôn đốc thu hồi nợ thuế, giảm nợ đọng thuế; kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế giá trị gia tăng; đẩy nhanh thực hiện hóa đơn điện tử; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; đôn đốc các doanh nghiệp nhà nước nộp đầy đủ vào ngân sách nhà nước phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quy định; chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước đôn đốc doanh nghiệp nộp kịp thời vào ngân sách nhà nước số thu cổ tức, lợi nhuận được chia cho phần vốn Nhà nước tại các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

(3). Cơ quan Thuế, Hải quan tiếp tục cải cách thủ tục hành chính về thuế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế, việc khai báo tên hàng, mã hàng, thuế suất, trị giá, số lượng,… để phát hiện kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ, gian lận thuế. Tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, trong đó tập trung vào các lĩnh vực thu từ đất đai, khoáng sản; thu từ các dự án hết thời gian ưu đãi, thu từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số,...

(4). Các Sở, ngành, các địa phương triển khai đầy đủ, kịp thời Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất. Tổ chức rà soát, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện sắp xếp lại, xử lý xe ô tô, máy móc, thiết bị bảo đảm theo tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công. Thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu thầu mua sắm tài sản công.

(5). Trong quá trình điều hành ngân sách, trường hợp phát sinh việc nhà đầu tư tự nguyện ứng trước tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhưng dự toán đã được cấp có thẩm quyền quyết định chưa bố trí nhiệm vụ chi bồi thường, giải phóng mặt bằng tương ứng, Ủy ban nhân dân căn cứ quy định tại điểm c khoản 3 Điều 52 Luật Ngân sách nhà nước trình Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất để làm cơ sở hạch toán thu, chi ngân sách nhà nước.

III. Tổ chức điều hành dự toán chi ngân sách nhà nước: Các ngành, địa phương và đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện chi ngân sách trong phạm vi dự toán ngân sách được giao; cơ quan tài chính, Kho bạc nhà nước tổ chức điều hành ngân sách trong phạm vi dự toán được duyệt, thực hiện kiểm soát chi chặt chẽ bảo đảm theo đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định, trong đó lưu ý:

(1). Điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán, đúng chế độ, tiêu chuẩn định mức, phân cấp quản lý ngân sách, giải ngân vốn trong phạm vi kế hoạch; bảo đảm kinh phí cho an sinh xã hội, phòng chống dịch bệnh, lĩnh vực y tế, môi trường, quốc phòng, an ninh... theo quy định của pháp luật. Tổ chức triển khai thực hiện dự toán được giao ngay từ đầu năm; rà soát hàng tháng, hàng quý, kịp thời xử lý ngân sách để tránh dồn chi vào cuối năm, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách. Các cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh đối với dự toán kinh phí được giao còn dư, không sử dụng hết, mà không kịp thời báo cáo để xử lý ngân sách theo quy định.

(2). Chủ động bố trí và phân bổ vốn ngay từ đầu năm cho các dự án quan trọng, cấp thiết. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện các dự án, công trình; đối với những dự án, công trình thực hiện không đúng tiến độ phải kịp thời quyết định hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định điều chỉnh để chuyển vốn cho những dự án có tiến độ triển khai nhanh, có khả năng hoàn thành trong năm 2024 nhưng chưa được bố trí đủ vốn.

(3). Các đơn vị, các cấp ngân sách thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, đặc biệt là các khoản chi tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát ở nước ngoài; quản lý chi đầu tư, xây dựng cơ bản, mua sắm chặt chẽ đúng quy định; không bố trí dự toán chi cho các chính sách chưa có chủ trương ban hành. Chủ động sắp xếp chi thường xuyên, ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng và các nhiệm vụ mới tăng thêm trong năm 2024, bảo đảm nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội và tiền lương, không để xảy ra tình trạng nợ lương cán bộ, công chức, viên chức, các khoản chi cho con người và chính sách đảm bảo xã hội theo chế độ.

(4). Đối với số thu tiền sử dụng đất và các nguồn thu khác gắn với nhiệm vụ chi cụ thể, trong điều hành cần căn cứ dự toán đã được giao và tiến độ thực hiện thu thực tế, trường hợp dự kiến giảm thu so với dự toán, đồng thời ngân sách địa phương không thể bù đắp từ các khoản tăng thu khác thì phải chủ động rà soát, cắt giảm hoặc giãn tiến độ thực hiện các công trình, dự án được bố trí từ nguồn thu này.

(5). Đối với chính sách an sinh xã hội: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Bảo hiểm xã hội tỉnh và các địa phương chủ động rà soát, chi trả chế độ, chính sách cho đối tượng thụ hưởng theo quy định. Kết thúc năm, căn cứ kết quả thực hiện từng chế độ, chính sách, tổng hợp kinh phí thực hiện gửi Sở Tài chính trước ngày 15/04/2025 để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định (Báo cáo gửi kèm xác nhận của Kho bạc Nhà nước địa phương, chi tiết theo phụ lục đính kèm).

(6). Đối với số bổ sung từ ngân sách cấp tỉnh cho ngân sách cấp huyện:

a) Thời gian phân bổ và giao dự toán được bổ sung phải hoàn thành chậm nhất 10 ngày làm việc (kể từ ngày nhận được quyết định giao bổ sung dự toán theo đúng quy định tại Điểm b, Khoản 2 Điều 50 Luật Ngân sách nhà nước)

b) Mức rút số bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp tỉnh cho ngân sách cấp huyện được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 18 Thông tư 342/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính.

c) Đối với các chế độ chính sách mới ban hành chưa có trong dự toán giao ổn định, chưa được cấp có thẩm quyền bổ sung có mục tiêu, các địa phương chủ động rà soát, tổng hợp báo cáo gửi Sở Tài chính tổng hợp trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

d) Định kỳ hàng quý, UBND cấp huyện có trách nhiệm tổng hợp báo cáo Sở Tài chính tình hình thực hiện kinh phí ngân sách cấp tỉnh bổ sung có mục tiêu để thực hiện các chính sách theo phụ lục số 01 kèm theo hông tư số 76/2023/TT-BTC ngày 29/12/2023 của Bộ Tài chính.

(7). Xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ đảm bảo tiết kiệm, tránh lãng phí, đồng thời nâng cao tránh nhiệm người đứng đầu trong việc sử dụng ngân sách.

(8). Thời gian điều chỉnh dự toán đã giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách hoàn thành và gửi cơ quan tài chính cùng cấp trước ngày 15/11/2024, đồng thời gửi cơ quan tài chính cùng cấp để kiểm tra và điều chỉnh trên hệ thống tabmis theo quy định.

(9). Trong quá trình điều hành ngân sách, trường hợp chưa tập trung được nguồn thu, quỹ ngân sách thiếu hụt tạm thời hoặc thu ngân sách địa phương giảm so với dự toán giao, mất cân đối ngân sách. UBND cấp huyện, cấp xã chủ động xây dựng phương án điều hành để đảm bảo ưu tiên thực hiện các chính sách, chế độ liên quan đến con người, an sinh xã hội./.

(Công văn kèm theo)

Văn phòng Sở