Thống kê truy cập

Online : 4041
Đã truy cập : 150717867

Luật Giá số 16/2023/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2023.

17/04/2024 09:28 Số lượt xem: 86

Ngày 19/6/2023 Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 5 thông qua Luật giá số 16/2023/QH15. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, Luật Giá số 11/2012/QH13 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ các quy định tại Điều 75 của Luật này.

Theo đó, Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng trong lĩnh vực giá, thẩm định giá; hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước; tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; cơ sở dữ liệu về giá; thẩm định giá; thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá.

Đối tượng áp dụng các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; người tiêu dùng; cơ quan nhà nước; tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực giá, thẩm định giá trên lãnh thổ Việt Nam.

 Luật Giá 2023 bao gồm 8 Chương, 75 Điều, cụ thể:

Chương 1: Những quy định chung gồm 7 điều (từ Điều 1 đến Điều 7). Quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; áp dụng Luật Giá và pháp luật có liên quan; giải thích từ ngữ; nguyên tắc quản lý, điều tiết giá của Nhà nước; công khai thông tin về giá; thẩm định giá và các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực giá, thẩm định giá.

Chương 2: Quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng trong lĩnh vực giá gồm 4 điều (từ Điều 8 đến Điều 11). Quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng.

Chương 3: Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá gồm 5 điều (từ Điều 12 đến Điều 16). Quy định về nội dung quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá; nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính; nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Chương 4: Hoạt động quản lý, điều tiết giá của nhà nước gồm 17 điều (từ Điều 17 đến Điều 33), được chia thành 5 mục:

Mục 1: Bình ổn giá (từ Điều 17 đến Điều 20), quy định về hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; nguyên tắc và các trường hợp bình ổn giá; các biện pháp bình ổn giá; tổ chức thực hiện bình ổn giá.

Mục 2: Định giá (Từ Điều 21 đến Điều 24), quy định về hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; nguyên tắc và căn cứ định giá của Nhà nước; phương pháp định giá; ban hành văn bản định giá hoặc điều chỉnh mức giá; văn bản quy định cơ chế, chính sách về giá.

Mục 3: Hiệp thương giá (từ Điều 25 đến Điều 27), quy định về tiêu chí hàng hóa, dịch vụ hiệp thương giá; nguyên tắc, thẩm quyền và trách nhiệm hiệp thương giá và tổ chức hiệp thương giá.

Mục 4: Kê khai giá, niêm yết giá, giá tham chiếu (từ Điều 28 đến Điều 30)

Mục 5: Kiểm tra yếu tố hình thành giá (từ Điều 31 đến Điều 33), quy định về mục đích, yêu cầu kiểm tra yếu tố hình thành giá; thẩm quyền, trách nhiệm kiểm tra và thực hiện kiểm tra

Chương 5: Tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường, cơ sở dữ liệu về giá gồm 6 điều (từ Điều 34 đến Điều 39). Quy định về hoạt động, nguyên tắc, báo cáo tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; cơ sở dữ liệu về giá; kinh phí bảo đảm cho công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và cơ sở dữ liệu về giá.

Chương 6: Thẩm định giá gồm 27 điều (từ Điều 40 đến Điều 66), được chia thành 3 mục:

Mục 1: Quy định chung (từ Điều 40 đến Điều 43), quy định về hoạt động thẩm định giá; nguyên tắc hoạt động thẩm định giá; chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam và hội nghề nghiệp về thẩm định giá.

Mục 2: Dịch vụ thẩm định giá (từ Điều 44 đến Điều 58), quy định về thẻ thẩm định viên về giá; đăng ký hành nghề thẩm định giá; thẩm định viên về giá; quyền và nghĩa vụ của thẩm định viên về giá; doanh nghiệp thẩm định giá; điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá; người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá, người đứng đầu chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá; điều kiện hoạt động của doanh nghiệp và chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá; đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá và thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; chứng thư thẩm định giá và báo cáo thẩm định giá….

Mục 3: Thẩm định giá của Nhà nước (từ Điều 59 đến Điều 66), quy định về Hoạt động thẩm định giá của Nhà nước; hội đồng thẩm định giá; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thành lập hội đồng thẩm định giá; quyền và nghĩa vụ của hội đồng thẩm định giá; quyền, nghĩa vụ của thành viên hội đồng thẩm định giá; thông báo kết quả thẩm định giá và báo cáo thẩm định giá; chi phí thẩm định giá và hồ sơ thẩm định giá của Nhà nước.

Chương 7: Thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá (từ Điều 67 đến Điều 72). Quy định về mục đích của thanh tra, kiểm tra; nguyên tắc thanh tra, kiểm tra; thời hạn thanh tra, kiểm tra; trách nhiệm thanh tra, kiểm tra; báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra và trách nhiệm xử lý và xử lý vi phạm pháp luật về giá, thẩm định giá.

Chương 8: Điều khoản thi hành (từ Điều 73 đến Điều 75), quy định về  sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan; hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp.

( Luật kèm theo)

Văn phòng Sở