Thống kê truy cập

Online : 3478
Đã truy cập : 150750427

Một số kết quả đạt được công tác cải cách tài chính công trên địa bàn tỉnh năm 2023.

15/12/2023 17:35 Số lượt xem: 326

Năm 2023, có ý nghĩa chính trị quan trọng, là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, Bắc Ninh gặp phải nhiều khó khăn, thách thức bởi tình hình thế giới bên ngoài và trong nước tiếp tục có những diễn biến khó lường, đã ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Trong năm qua, công tác tài chính công trên địa bàn tỉnh đã đạt một số kết quả trọng tâm sau:

(1). Dự toán thu NSNN trên địa bàn là 31.630 tỷ đồng, ước thực hiện cả năm đạt 27.966 tỷ đồng, bằng 88% dự toán, bằng 90% so với thực hiện năm 2022.

Dự toán thu nội địa là 23.820 tỷ đồng, ước thực hiện 21.250 tỷ đồng, bằng 89% dự toán, bằng 91% so với thực hiện năm 2022; thu nội địa không bao gồm tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết dự toán giao là 20.798 tỷ đồng, ước thực hiện 20.925 tỷ đồng, đạt 101% dự toán và bằng 94% so với thực hiện năm 2022.

Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: Ước thực hiện 6.716 tỷ đồng, đạt 86% dự toán, bằng 89% so với thực hiện năm 2022. Nguyên nhân không hoàn thành dự toán và giảm so với năm trước do tăng trưởng kinh tế không đạt mức chỉ tiêu đề ra, các ngành công nghiệp sụt giảm, thấp hơn rất nhiều so với tốc độ cùng kỳ năm 2022.

Tổng chi NSĐP ước thực hiện cả năm 18.728 tỷ đồng bằng 92,2% dự toán, trong đó: Chi từ nguồn bổ sung mục tiêu của trung ương đạt 2.606 tỷ đồng, bằng 100% dự toán; chi cân đối NSĐP ước thực hiện cả năm 16.122 tỷ đồng, đạt 91% dự toán, trong đó: Chi đầu tư phát triển là 6.500 tỷ đồng, đạt 114,6% dự toán, bằng 98% so với cùng kỳ. Chi đầu tư tăng so với dự toán do chi từ nguồn năm 2022 chuyển nguồn sang; chi thường xuyên 9.049 tỷ đồng đạt 83% dự toán.

 (2)  Kết quả thực hiện quy định về quản lý, sử dụng tài sản công: Trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định phê duyệt phương án sắp xếp lại nhà, đất đối với 676 cơ sở nhà đất thuộc 09 cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tham gia kiểm tra hiện trạng nhà, đất của Trung ương đóng trên địa bàn đối với 13 cơ sở nhà đất thuộc 03 cơ quan, đơn vị và có ý kiến về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đối với 16 cơ sở nhà đất thuộc 05 cơ quan trung ương đóng trên địa bàn.

 Trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm tập trung, giá trị: 16.462 triệu đồng; rà soát, trình ban hành tiêu chuẩn, định mức máy móc thiết bị chuyên dùng cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; phân bổ, bổ sung, thu hồi kinh phí mua sắm, sửa chữa tài sản công cho các đơn vị và thông báo các khoản chi không tự chủ theo nội dung công việc trong dự toán giao năm 2023 cho 18 đơn vị; tham gia ý kiến dự thảo vào các văn bản quy phạm pháp luật 10 văn bản; báo cáo phương án sắp xếp 05 xe chức danh dôi dư.

Trình phê duyệt phương án xử lý tài sản bị tịch thu sung công quỹ nhà nước 03 vụ; xử lý số thu tài khoản tạm giữ đối với 23 đơn vị với tổng số tiền là 6.626 triệu đồng.Tổ chức triển khai Nghị định số 72/2023/NĐ-CP ngày 26/9/2023 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô; Rà soát, tổng hợp báo cáo, đề xuất phương án ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Bên cạnh đó, tham mưu với UBND tỉnh ban hành Quyết định 04/2023/QĐ-UBND ngày 03/02/2023 về việc phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng cho UBND cấp huyện; Nghị quyết số 05/2023/NQ-HĐND ngày 12/4/2023 của HĐND tỉnh Quy định phân cấp quản lý tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa phương quản lý.

(3). Kết quả thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập: Sở Tài chính đã tham gia ý kiến vào phương án và mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh. Đến nay, khối tỉnh đã có 94 đơn vị được giao quyền tự chủ và phân loại đơn vị sự nghiệp; đồng thời, nâng mức độ tự chủ của 08 đơn vị sự nghiệp thuộc ngành y tế từ đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên (đơn vị nhóm 3) lên đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên (đơn vị nhóm 2).

          Bên cạnh kết quả đã đạt được công tác cải cách tài chính công trên địa bàn tỉnh còn tồn tại hạn chế sau:

Về điều hành NSNN: Về thu ngân sách có các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí tăng; tuy nhiên tổng thu NSNN trên địa bàn giảm, do các dự án đất không triển khai thực hiện, thu tiền sử dụng đất đạt tỷ lệ thấp; về chi ngân sách, tình hình giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh thấp so với bình quân cả nước. Lũy kế vốn giải ngân từ đầu năm đến hết tháng 11/2023 là 4.160,818 tỷ đồng, đạt 45,13% so với kế hoạch UBND tỉnh giao (9.220,207 tỷ đồng), đạt 52,87% so với kế hoạch vốn địa phương triển khai (7.869,877 tỷ đồng).

Thu tiền sử dụng đất ước thực hiện cả năm đạt 10% dự toán, ảnh hướng đến việc cân đối nguồn thực hiện kế hoạch đầu tư công (đặc biệt là cấp huyện, xã); một số nhiệm vụ không được triển khai theo dự toán phải thu hồi như kinh phí thực hiện Đề án giáo dục, nhiệm vụ công nghệ thông tin, an ninh quốc phòng, sự nghiệp môi trường, mua sắm tài sản công...

Về chi ngân sách: Giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh thấp, thu tiền sử dụng đất ước thực hiện cả năm đạt 10% dự toán. Một số nhiệm vụ không được triển khai theo dự toán phải thu hồi như kinh phí thực hiện Đề án nâng cao chất lượng đội ngữ giáo viên và mua sắm trang thiết bị đồ dùng dạy học theo Nghị quyết 316/NQ-HĐND, kinh phí thực hiện các đề án, nhiệm vụ công nghệ thông tin, an ninh quốc phòng, sự nghiệp môi trường, mua sắm tài sản công...

          Hiện nay, giá nguyên vật liệu, giá nhân công, đơn giá ca máy, giá cước vận chuyển thực tế hiện nay tăng cao hơn so với thời điểm đấu thầu nên tiến độ thi công chậm, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của các dự án. Công tác đền bù GPMB của một số dự án gặp phải khó khăn, vướng mắc do người dân không thống nhất với phương án đền bù, đặc biệt liên quan đến đất ở, tái định cư dẫn đến dự án không có mặt bằng để thi công, chậm tiến độ triển khai thực hiện.Một số dự án có số dư ứng trước lớn từ năm trước chuyển sang chưa thực hiện hoàn ứng...

Chưa có cơ sở pháp lý để hướng dẫn các cơ quan đơn vị quản lý, sử dụng tài sản công là tài sản kết cấu hạ tầng như: hạ tầng kỹ thuật chợ, hạ tầng xã hội, hạ tầng văn hóa (công viên)…Công tác kê khai, sắp xếp xử lý nhà đất còn chậm …

Để thực hiện tốt công tác tài chính công trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới cần thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Về thu ngân sách nhà nước trên địa bàn: Phối hợp với Cục thuế tỉnh thực hiện nghiêm các quy định của các Luật thuế, Luật Quản lý Thuế và pháp luật có liên quan; thực hiện các nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước. Tăng cường công tác quản lý thu phù hợp với lĩnh vực, địa bàn, đối tượng; chống thất thu, xử lý thu hồi nợ đọng thuế, xử lý vào thu NSNN các khoản phải thu theo kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước; đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước.

2. Về chi ngân sách địa phương: Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023; Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật về tài chính ngân sách nhà nước; Thông tư 78/2022/TT-BTC ngày 26/12/2022 của Bộ Tài chính về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 03/1/2023 của UBND tỉnh về những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và các quy định hiện hành.

Tổ chức điều hành, quản lý chi ngân sách nhà nước theo dự toán, đúng chế độ, tiêu chuẩn định mức, phân cấp quản lý ngân sách, phân cấp quản lý dự án đầu tư công, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước:

- Quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên trong phạm vi dự toán được giao; Rà soát các nhiệm vụ chi được giao để nộp trả ngân sách tỉnh kinh phí còn dư để xây dựng phương án sử dụng nguồn tiết kiệm chi năm 2023.

- Đối với chi đầu tư xây dựng cơ bản: Báo cáo và đề xuất với UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư và UBND cấp huyện phối hợp tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu của đơn vị. Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán vốn đầu tư công theo đúng quy định ngay khi có khối lượng hoàn thành; có chế tài đối với nhà thầu cố tình chậm tiến độ, vi phạm hợp đồng theo quy định hiện hành. Kịp thời báo cáo UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn vượt thẩm quyền.

- Các địa phương bị hụt thu chủ động sử dụng nguồn dự phòng, kết dư và các nguồn lực hợp pháp khác, để đảm bảo không để xảy ra việc chậm chi trả trợ cấp, các chế độ của đối tượng chính sách; lương, phụ cấp của cán bộ, công chức.

- Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch. Thực hiện nghiêm kết luận của thanh tra, kiểm toán.

 3.Về thực hiện quy định về quản lý, sử dụng tài sản công: Cần sát sao, phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý cơ sở nhà đất để thu thập hồ sơ, tài liệu, số liệu báo cáo chính xác theo quy định; tích cực triển khai công tác sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP đảm bảo quy định (dự kiến đến năm 2025 hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo đúng Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội).

Thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công, cập nhật, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu về tài sản công để từng bước quản lý tất cả các tài sản công được quy định tại Luật quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật.

Trình UBND tỉnh phê duyệt tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và lập phương án sắp xếp, xử lý xe ô tô trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh./.

Văn phòng Sở