Thống kê truy cập

Online : 4021
Đã truy cập : 150717862

Quy định mới về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập

23/07/2021 14:27 Số lượt xem: 254

 Ngày 21/6/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP về việc Quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định gồm 5 Chương, 41 Điều quy định cụ thể về cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công; tự chủ về tài chính của đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực y tế - dân số, giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; lập chấp hành dự toán và quyết toán thu, chi và tổ chức thực hiện.

Nghị định này quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo; giáo dục nghề nghiệp; y tế - dân số; văn hoá, thể thao và du lịch; thông tin và truyền thông; khoa học và công nghệ; các hoạt động kinh tế và lĩnh vực khác.

Nghị định Quy định cụ thể nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp gồm: Thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công; Thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công; Thu từ cho thuê tài sản công: Đơn vị thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án cho thuê tài sản công..

Nghị định cũng yêu cầu  các  các cơ quan Trung ương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc tiếp tục thực hiện danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền ban hành, đồng thời rà soát sửa đổi bổ sung danh mục dịch vụ sự nghiệp đảm bảo phù hợp theo quy định.

Bên cạnh đó, Nghị định quy định phân loại mức tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, gồm:

Thứ nhất, đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư là đơn vị đáp ứng một trong các điều kiện sau:

- Đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định này bằng hoặc lớn hơn 100%; có mức tự bảo đảm chi đầu tư bằng hoặc lớn hơn mức trích khấu hao và hao mòn tài sản cố định của đơn vị.

- Mức tự bảo đảm chi đầu tư được xác định bao gồm các nguồn sau: Số dự kiến trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp trong năm kế hoạch hoặc của bình quân 05 năm trước liền kê; Số thu phí được để lại để chi thường xuyên không giao tự chủ theo quy định.

- Đơn vị cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước, giá dịch vụ sự nghiệp công xác định theo cơ chế thị trường, có tính đủ khấu hao tài sản cố định và có tích lũy dành chi đầu tư.

Thứ hai, Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên là đơn vị đáp ứng một trong các điều kiện sau: Đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định này bằng hoặc lớn hơn 100% và chưa tự bảo đảm chi đầu tư từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, nguồn thu phí được để lại chi theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí, các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Đơn vị thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, được Nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá tính đủ chi phí (không bao gồm khấu hao tài sản cố định).

Thứ ba, Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên là đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định này từ 10% đến dưới 100%, được Nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá chưa tính đủ chi phí và được phân loại như sau: Đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên; Đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên; Đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên.

Thứ tư, Đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên gồm: Đơn vị sự nghiệp công có mức tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định này dưới 10%; Đơn vị sự nghiệp công không có nguồn thu sự nghiệp.

Trên cơ sở nhiệm vụ được giao và khả năng của nguồn tài chính, đơn vị sự nghiệp công được tự chủ quyết định các nội dung chi nội dung sau:

- Chi tiền lương và các khoản đóng góp theo tiền lương.

Trong thời gian chưa ban hành chế độ tiền lương mới theo hướng cải cách thì áp dụng chế độ tiền lương theo mức lương cơ sở, hệ số ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương và phụ cấp, tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có).

Kể từ ngày áp dụng chế độ tiền lương mới, đơn vị sự nghiệp công áp dụng chế độ tiền lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ và các khoản đóng góp theo tiền lương; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có).

- Chi tiền thưởng: Thực hiện theo chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

- Chi thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

- Chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý: Tối đa không vượt quá mức chi do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định.

- Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

Nghị định số 60/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/8/2021.

Thay thế các Nghị định: Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập; Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác; Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập./.

Văn phòng Sở