Thống kê truy cập

Online : 4059
Đã truy cập : 151065526

Quy định về chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định Luật Phòng, chống tham nhũng.

29/09/2022 09:30 Số lượt xem: 2509

Định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005.

Ngày 27/10/2007 Chính phủ ban hành Nghị định số 158/2007/NĐ-CP và Nghị định số 150/2013/NĐ-CP ngày 01/11/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2007/NĐ-CP quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Năm 2018, Luật Phòng, chống tham nhũng được Quốc hội khoá XIV kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 20/11/2018 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019 (thay thế Luật Phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 01/2007/QH12 và Luật số 27/2012/QH13).

Để cụ thể hóa Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, ngày 01/7/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng chống tham nhũng. Luật và Nghị định tiếp tục kế thừa, bổ sung một số quy định mới nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong các quy định trước đây. Theo đó:

1. Đối tượng, nguyên tắc chuyển đổi vị trí công tác: Định kỳ chuyển đổi vị trí công tác chỉ thực hiện đối với cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đồng thời, chuyển đổi vị trí công tác phải bảo đảm phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo và không làm thay đổi tính chất công việc của cán bộ, công chức, viên chức; chỉ chuyển đổi từ bộ phận này sang bộ phận khác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; giữa các lĩnh vực, địa bàn được phân công theo dõi, phụ trách, quản lý hoặc giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chính quyền địa phương.

2. Danh mục và thời hạn phải định kỳ chuyển đổi thuộc 02 nhóm:

- Quản lý ngân sách, tài sản cơ quan, đơn vị bao gồm: Phân bổ ngân sách, kế toán, mua sắm công.

- Trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc bao gồm các công việc thuộc 18 lĩnh vực: Tổ chức cán bộ; Tài chính, ngân hàng; Công Thương; Xây dựng; Giao thông; Y tế; Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông; Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Đầu tư và Ngoại giao; Tư pháp; Lao động - Thương binh và Xã hội; Khoa học - Công nghệ; Giáo dục và Đào tạo; Quốc phòng; Công an; Thanh tra và Phòng, chống tham nhũng.

 Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đủ từ 02 năm đến 05 năm theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực. 

3. Thẩm quyền quy định danh mục chuyển đổi vị trí công tác: Theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng: Chính phủ quy định chi tiết vị trí công tác phải chuyển đổi và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chính quyền địa phương. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội quy định chi tiết vị trí công tác phải chuyển đổi và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với người có chức vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền quản lý của mình.

Như vậy, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm quy định cụ thể danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và thuộc phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực tại địa phương trên cơ sở danh mục của Chính phủ.

4. Phương thức thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác: Chuyển đổi vị trí công tác cùng chuyên môn, nghiệp vụ từ bộ phận này sang bộ phận khác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; giữa các lĩnh vực, địa bàn được phân công theo dõi, phụ trách, quản lý hoặc giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chính quyền địa phương.

5. Một số trường hợp chưa thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác, gồm:

- Người đang trong thời gian bị xem xét, xử lý kỷ luật.

- Người đang bị kiểm tra, xác minh, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử.

- Người đang điều trị bệnh hiểm nghèo được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận; người đang đi học tập trung từ 12 tháng trở lên, người đang biệt phái.

- Phụ nữ đang trong thời gian mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; nam giới đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi do vợ mất hoặc trong trường hợp khách quan khác

6. Chuyển đổi vị trí công tác trong trường hợp đặc biệt: Đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ có một vị trí trong danh mục định kỳ chuyển đổi mà vị trí này có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác với các vị trí còn lại của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó thì việc chuyển đổi do người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp lập kế hoạch chuyển đổi chung.

Không thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với người có thời gian công tác còn lại dưới 18 tháng cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu./.

Văn phòng Sở