Thống kê truy cập

Online : 4279
Đã truy cập : 150683554

UBND tỉnh phê duyệt Đề án "Thực hiện cơ chế "5 tại chỗ"và quy trình điện tử trong giải quyết TTHC"

10/09/2021 14:30 Số lượt xem: 1231

Ngày 01/9/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 299/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án "Thực hiện cơ chế "5 tại chỗ" và quy trình điện tử trong giải quyết TTHC tại Trung tâm HCC tỉnh và Trung tâm HCC cấp huyện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh".

Đề án gồm 05 phần, nêu rõ sự cần thiết, căn cứ xây dựng, đối tượng, phạm vi của Đề án; thực trạng giải quyết TTHC theo cơ chế "4 tại chỗ" và quy trình điện tử tại Trung tâm HCC tỉnh và Trung tâm HCC cấp huyện; quan điểm, mục tiêu, giải pháp giải quyết TTHC theo cơ chế "5 tại chỗ" và quy trình điện tử tại Trung tâm HCC; kinh phí thực hiện đề án; tổ chức thực hiện.

Đề án xác định mục tiêu tổng quát, nhằm tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công của các cơ quan nhà nước, đảm bảo phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, hướng tới số hóa hồ sơ, chuyển hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản giấy, giao dịch trực tiếp sang hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản điện tử, giao dịch điện tử; thúc đẩy CCHC, nhất là cải cách TTHC thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin.

Thực hiện theo cơ chế 5 tại chỗ các quy trình giải quyết TTHC (Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả) nhằm góp phần bảo đảm các TTHC được giải quyết thuận tiện, nhanh chóng, cắt giảm chi phí, thời gian, có cơ chế kiểm tra, giám sát, các hoạt động được thực hiện công khai, minh bạch, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, quan liêu. Áp dụng quy trình điện tử gắn với số hóa toàn bộ hồ sơ, kết quả TTHC để xử lý trên phần mềm điện tử và áp dụng chữ ký số để phê duyệt kết quả; in ấn, phát hành kết quả TTHC ngay tại Trung tâm HCC.

Đồng thời, Đề án cũng xác định mục tiêu cụ thể theo 02 giai đoạn, giai đoạn 1, từ khi phê duyệt Đề án đến hết T12/2021, lựa chọn các TTHC đơn giản, có tính khả thi, phù hợp, thiết thực với tổ chức và người dân, có thời gian giải quyết ngắn ngày, không có sự tham gia giải quyết của nhiều cơ quan, đơn vị ...và thường xuyên phát sinh hồ sơ để tổ chức thực hiện quy trình “5 tại chỗ” tại Trung tâm HCC, đảm bảo cấp tỉnh tối thiểu 30%; cấp huyện tối thiểu 60% TTHC thường xuyên phát sinh hồ sơ.

Giai đoạn 2, thời  gian thực hiện trong năm 2022, mục tiêu là 100% TTHC có phát sinh hồ sơ, đủ điều kiện thực hiện quy trình “5 tại chỗ” tại Trung tâm HCC. Về thực hiện ủy quyền, phân cấp: Tối thiểu 50% TTHC thực hiện phân cấp hoặc ủy quyền cho công chức tiếp nhận hồ sơ thực hiện thẩm định hồ sơ hoặc phê duyệt kết quả theo quy định.

Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, Đề án nêu 08 giải pháp cụ thể: Rà soát, lựa chọn TTHC triển khai thực hiện; cải cách quy trình giải quyết, tổ chức rà soát, đánh giá và kiến nghị sửa đổi quy trình giải quyết TTHC; khắc con dấu thứ 2 để đóng dấu tại Trung tâm HCC; nâng cao chất lượng và bố trí cán bộ làm việc tại Trung tâm HCC; ứng dụng công nghệ thông tin; đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị tại Trung tâm HCC; kiểm tra, đánh giá, đôn đốc việc triển khai thực hiện; tuyên truyền thực hiện giải quyết TTHC theo cơ chế "5 tại chỗ".

UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các Sở, ban, ngành thực hiện nội dung của Đề án, trong đó Sở Tài chính có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan: Tham mưu UBND tỉnh cân đối ngân sách nhà nước hàng năm chi thường xuyên, phân bổ nguồn để thực hiện các nội dung của Đề án, dự toán kinh phí thực hiện theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương lập dự trù và thanh quyết toán các kinh phí trong việc tổ chức thực hiện TTHC theo quy trình “5 tại chỗ” bảo đảm đúng quy định, tiết kiệm, đạt kết quả cao.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./. ( Quyết định số 299/QĐ-UBND kèm theo)

Văn phòng Sở